Dòng xe bán tải ngày càng được chú ý trên thị trường ô tô nhờ vào sự đa dụng và tiện nghi cùng thiết kế nội – ngoại thất được cải tiến hiện đại không thua kém gì các dòng xe sedan hay SUV.
Trong phân khúc xe bán tải, nổi bật hơn cả phải kể đến 2 cái tên “đình đám” là Toyota Hilux và Mazda BT-50 với sự cạnh tranh quyết liệt về thương hiệu và trang bị, được nhiều người tiêu dùng chú ý nhất hiện nay.

Giá bán xe bán tải Hilux và Mazda BT50
Giá xe bán tải Toyota HILUX mới được đánh giá cạnh tranh hơn so với trước:
- Hilux E Động cơ 2.4 lít, số sàn: 697 triệu đồng
- Hilux G Động cơ 2.8 lít, số sàn: 806 triệu đồng
- Hilux G Động cơ 2.8 lít, số tự động: 870 triệu đồng
Cập nhật: Giá xe Toyota Hilux 2022 mới nhất
Trong khi đó, Mazda BT-50 cũng sở hữu 3 phiên bản với mức giá bán thấp hơn hẳn đối thủ, cụ thể:
- BT-50 2.2L MT 4WD, số sàn mức giá chỉ 655 triệu đồng.
- BT-50 2.2L AT 2WD, số tự động có giá 685 triệu đồng
- BT-50 3.2L AT 4WD, số tự động có giá: 819 triệu đồng
Cập nhật: Giá xe Mazda BT50 2022 mới nhất
So sánh về ngoại thất
Hillux 2017 có kích thước tổng thể 5.330 x 1.855 x 1.815mm trong khi thông số này ở Mazda BT-50 lần lượt là 5.365mm x 1.850mm x 1.821 mm. Đặt cạnh nhau có thể thấy BT-50 bề thế hơn hẳn Hilux, đặc biệt là về chiều dài và chiều cao.
Toyota Hilux nổi bật bởi thiết kế hài hòa, kết hợp những đường nét mạnh mẽ và cứng cáp. Phần đầu xe tạo ấn tượng mạnh với lưới tản nhiệt trải rộng sang hai bên, kết hợp với cản trước lớn, cụm đèn trước có thiết kế cách tân với đèn pha tinh tế, tích hợp dải đèn LED chiếu sáng ban ngày thời trang.
Mazda BT-50 cũng mang thiết kế thể thao, hầm hố chẳng hề thua kém. Đầu xe lắp lưới tản nhiệt mạ crôm với một thang ngang bản lớn tích hợp logo Mazda nổi bật. Nắp ca-pô được tạo dáng với hai đường gân nổi, tôn lên sự mạnh mẽ, cứng cáp.
Cả hai mẫu xe đều nổi bật với gương chiếu hậu được mạ crôm, cho phép chỉnh điện, gập điện, tích hợp đèn báo rẽ. Lazang 17 inch thiết kế 6 chấu cứng cáp.
Cụm đèn hậu Hilux dạng thường, mở rộng sang hai bên, có viền bao quanh màu đen nhấn mạnh sự khỏe khoắn và mạnh mẽ cho chiếc xe, Mazda BT-50 trang bị tương tự, song được trau chuốt lại theo hình chiếc lá trông sắc nét hơn.
Thùng xe bán tải Hilux khá rộng (1525 x 1540 x 480mm), được mạ crom sáng bóng, đảm bảo xe không bị trầy xước nhiều trong quá trình sử dụng. BT-50 rộng hơn chút đỉnh (1549 x 1560 x 513 mm), kết hợp với nắp thùng xe sẽ rất tiện lợi để chuyên chở hàng hóa.
Cả Hilux và Mazda BT-50 đều có phổ màu ngoại thất đa dạng với 6 màu: Hilux dùng màu Cam, Đen, Xám đậm, Bạc trung tính và Trắng Ngọc Trai, Đỏ trẻ trung trong khi BT-50 sở hữu nét riêng biệt với 2 màu Xanh dương đậm cá tính và màu Ghi nhẹ nhàng.
So sánh về nội thất
Là mẫu xe bán tải đang khá “hot” hiện này, cả Toyota Hilux 2017 và Mazda BT-50 đều sở hữu nội thất sang trọng, tiện nghi hiện đại và không chênh lệch nhau nhiều. Mặc dù Toyota luôn nổi tiếng là thương hiệu của sự rộng rãi, song chính BT-50, với chiều dài cơ sở 3220 mm hơn hẳn Hilux là 3085mm, đã cho thấy điều ngược lại. Đại diện Mazda có khoang cabin thoáng hơn hẳn so với đối thủ Toyota.
Mazda BT-50 2017 rộng rãi và tiện nghi, thiết kế hoàn toàn mới với các đường nét tạo hình đối xứng. Mặt táp-lô, bảng điều khiển trung tâm được thiết kế liền mạch, cụm đồng hồ tốc độ viền crôm sắc nét. Hilux cũng tỏ ra hiện đại, sang trọng với các đường viền, mảng ốp bạc kéo dài theo táp lô cùng màu hiển thị điện tử xanh lam dịu mắt và trực quan.
Cả 2 mẫu xe đều trang bị tay lái 3 chấu bọc da, tích hợp nút điều khiển âm thanh, màn hình hiển thị đa thông tin, thoại rảnh tay, cũng như gương chiếu hậu chống chói tự động.
Ghế ngồi Hilux được bọc da, khoang ca-bin với khá nhiều tiện ích. Trong khi đó, phiên bản cao cấp BT-50 sở hữu ghế ngồi, tựa tay trung tâm và tấm ốp cửa cũng được bọc bằng chất liệu da. Hệ thống điều hòa tự động 2 dàn lạnh độc lập với cửa gió cho hàng ghế sau làm việc khá tốt.
Cả 2 mẫu xe đều trang bị dàn âm thanh CD 6 loa, kết nối AUX/ USB/ Radio, ngoài ra, Hilux bản cao cấp còn hỗ trợ đầu DVD nâng cao trải nghiệm đa phương tiện trong xe,
Hilux phiên bản nổi bật hơn khi trang bị ghế lái chỉnh điện 8 hướng, ghế ngồi chỉnh tay 4 hướng, còn cả 3 phiên bản của Mazda đều có ghế lái chỉnh tay, hàng ghế sau cố định.
So sánh về khả năng vận hành
Hilux 2017 có hai động cơ 1GD-FTV 2.8L và động cơ 2GD-FTV 2.4L. Thế hệ động cơ hoàn toàn mới GD-FTV được trang bị hệ thống phun nhiên liệu trực tiếp sử dụng đường dẫn chung, turbo tăng áp kết hợp Intercooler thực sự tạo nên sự khác biệt.
Cụ thể, Hilux E 2.4L sản sinh công suất cực đại 147 mã lực và momen xoắn tối đa 400 Nm, còn Hilux G 2.8L là 174 mã lực/ 450 Nm (số tự động) hoặc 420 Nm (số sàn).
Trong khi đó, Mazda sử dụng động cơ Diesel cho thông số có phần vượt trội hơn. Mẫu động cơ 2.2L sản sinh công suất 148 mã lực/ mô-men xoắn 375 Nm trong khi bản dung tích 3.2L tạo ra 198 mã lực/ 470 Nm. Khó có thể chối bỏ rằng động cơ luôn là điểm mạnh của dòng Mazda.
Cả Hilux và BT-50 đều đem đến cho người mua 2 sự lựa chọn là Hộp số sàn hoặc tự động 6 cấp mượt mà, cũng như sử dụng trợ lái thủy lực nên cảm giác lái khá đằm ở tốc độ cao.
Cả 2 mẫu xe đều tinh chỉnh hệ thống treo trước độc lập, thanh giằng xoắn trong khi treo sau là dạng nhíp lá quen thuộc; phanh trước dạng đĩa thông gió và phanh sau tang trống dễ thay thế.
Gầm xe bán tải BT-50 chỉ cao 238 mm trong khi con số này của Hilux là 310 mm, đảm bảo xe vượt địa hình dễ dàng. Cả 2 đều có chung bán kính quay vòng tối thiểu là 6.2m, khá cồng kềnh và khó di chuyển trong đường nội ô chật hẹp.
Bản số sàn Mazda BT-50 trang bị lazang nhỏ 16 inch với cỡ lốp 255/70R16, trong khi đó, 2 bản số tự động có lazang to 17 inch với cỡ lốp là 265/65R17. Hilux cũng sử dụng 1 cỡ lazang 17 inch với lốp 265/65R17 tương tự.
Chế độ an toàn
Cả Hilux 2017 và BT-50 đều trang bị những tính năng an toàn cơ bản như hệ thống chống bó cứng phanh tự động, hỗ trợ lực phanh khẩn cấp và phân phối lực phanh điện tử, cũng như hệ thống cân bằng điện tử, hệ thống kiểm soát lực kéo và hệ thống khởi hành ngang dốc.
Cả 2 phiên bản cao cấp của Hilux và Mazda đều được trang bị Camera lùi tăng tính tiện dụng và an toàn hơn khi lùi, đỗ xe. Ngoài ra, Hilux có cả hệ thống điều khiển ổn định khi kéo móc còn BT-50 sở hữu tính năng hỗ trợ đổ đèo, kiểm soát theo tải trọng và chống lật, đảm bảo mức độ an toàn cao hơn cho hành khách trong xe.
Số lượng túi khí cũng khác biệt, phần nào nghiêng về phía đại diện của Toyota. Bản Mazda 2.2L chỉ được trang bị 2 túi khí còn bản Mazda 3.2L AT 4WD có đến 6 túi khí. Trong khi 2 bản Hilux thường đã có 3 túi khí, thì Hilux 2.8G AT 4×4 số tự động cao cấp được trang bị đến 7 túi khí.
Kết luận
Nếu muốn một chiếc xe bán tải với vẻ ngoài hầm hố, mạnh mẽ cùng khả năng vận hành ấn tượng nhưng vẫn đi kèm mức giá phải chăng thì mẫu xe của Mazda là một sự lựa chọn hết sức hợp lí.
Trong khi đó, những khách hàng muốn một chiếc bán tải bền bỉ, thiết kế trẻ trung cùng trang bị tiện ích và đặc biệt là thương hiệu nổi tiếng giữ giá tốt thì lựa chọn một chiếc Toyota Hilux khá phù hợp.